MobiFone phát triển vượt bậc sau hơn 1 năm tách VNPT
Tách khỏi Tập đoàn VNPT từ năm 2014, đến nay Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã có nhiều thay đổi nhằm cạnh tranh với các nhà mạng khác.
Năm 2015, doanh thu của MobiFone đạt 36.900 tỷ đồng tăng trưởng 8,29% và lợi nhuận đạt 7.395 tỷ đồng tăng trưởng 1,1% so với năm 2014, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu tiếp tục ở mức cao 49,35%, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 6.922 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2014).
Bước sang năm 2016, MobiFone đặt ra những mục tiêu và quyết tâm thể hiện rõ kỳ vọng lớn, như tổng doanh thu toàn MobiFone đạt 35.873 tỷ đồng, trong đó, doanh thu Công ty mẹ đạt 33.122 tỷ đồng, lợi nhuận công ty mẹ đạt 5.204 tỷ đồng.
Ông Lê Nam Trà, Chủ tịch HĐTV MobiFone cho biết, năm 2016 MobiFone sẽ tiếp tục lộ trình tái cơ cấu, hướng sự phát triển đột phá ở 4 lĩnh vực Di động - Truyền hình - Bán lẻ - Dịch vụ GTGT & Đa phương tiện. MobiFone kỳ vọng các "sân chơi mới" này sẽ mang lại tăng trưởng 10% doanh thu cho MobiFone.
Hơn một năm qua MobiFone đã có nhiều bước đi nhằm đa dạng hóa hoạt động, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Thâu tóm AVG, xây dựng truyền hình
Mới đây nhất, ngày 7/1, đại diện MobiFone xác nhận việc doanh nghiệp này thâu tóm AVG. Theo đó, MobiFone sẽ mua lại 95% cổ phần của AVG và sẽ "tiếp nhận nguyên trạng truyền hình An Viên trong vòng 3-6 tháng".
Đại diện MobiFone chia sẻ, MobiFone sẽ làm truyền hình khác với các nhà đài khác trên thị trường như VTVcab, K+ hay như Viettel mà sẽ xây dựng truyền hình như một phần trong "dải sinh thái" phục vụ hơn 40 triệu khách hàng đang sử dụng mạng MobiFone hiện có. Đó sẽ là một kênh truyền hình kết hợp viễn thông theo công nghệ mới nhất.
Cách kinh doanh và khai thác của MobiFone sẽ không giống như truyền hình trả tiền là hiện gần như phụ thuộc lớn vào phí thuê bao mà "rất có thể nhiều dịch vụ sẽ miễn phí". Bên cạnh đó, MobiFone sẽ có cả thu phí dịch vụ và cung cấp truyền hình qua mobile.
Gia nhập thị trường bán lẻ
Tháng 10/2015, MobiFone đã khai trương cửa hàng bán lẻ thiết bị đầu cuối và phụ kiện đầu tiên tại TPHCM. Theo kế hoạch, MobiFone sẽ xây dựng thêm 100 chuỗi cửa hàng bán lẻ trong năm đầu tiên.
Giới chuyên môn cho rằng, xuất phát từ một nhà mạng cung cấp dịch vụ sóng di động, MobiFone có những lợi thế so với các đối thủ truyền thống.
Đầu tiên là lợi thế nhà mạng lớn. Thị trường viễn thông di động Việt Nam hiện có 5 nhà mạng đang hoạt động. Tuy nhiên, có 3 nhà mạng chiếm gần 90% thị phần là Viettel, MobiFone và VinaPhone. Theo số liệu được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại Hội nghị giao ban tháng 5/2015, Viettel hiện kiểm soát 52,2% thị phần, còn VinaPhone và MobiFone đang cùng nắm giữ thị phần khoảng 18%.
Với vị thế đứng thứ 2, MobiFone chỉ cần áp dụng dịch vụ khuyến mãi thuê bao khi mua điện thoại di động thì sẽ thu hút được khách hàng. Lợi thế này sẽ ăn đứt các hệ thống bán lẻ lớn như Thế Giới Di Động, Viễn thông A, FPT..., vốn chỉ là nhà bán lẻ thông thường.
Việc bán thiết bị đi kèm hợp đồng của nhà mạng đã tạo ra một thứ “quyền lực” cho nhà mạng cung cấp. Chẳng hạn, chính sách bán điện thoại thông minh (smartphone) kèm hợp đồng 2 năm buộc khách hàng sử dụng duy nhất một nhà mạng áp dụng cho iPhone đã được hãng viễn thông AT&T thực hiện thành công nhiều năm nay ở Mỹ. Đến nay, chính sách này đã được áp dụng rộng rãi đối với nhiều smartphone. MobiFone hoàn toàn có thể thực hiện theo mô hình này.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét